Trung Học Mạc Đĩnh Chi Một Thời Kỷ Niệm
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Đóa Hoa Vô Thường - Sư Minh Tuệ ( Phần 2 )

Go down

Đóa Hoa Vô Thường - Sư Minh Tuệ ( Phần 2 ) Empty Đóa Hoa Vô Thường - Sư Minh Tuệ ( Phần 2 )

Bài gửi by Xuân Lộc 26/7/2019, 7:51 am

Đóa Hoa Vô Thường - Sư Minh Tuệ ( Phần 2 ) Doa_ho10

🌷══════-------------------- 🍃 🌷 🍃-------------------═════🌷
🌷---------Đóa Hoa Vô Thường-------------🌷
🌷══════----------------------- 🍃 🌷 🍃-------------------═════🌷
Bài của Sư Minh Tuệ Đỗ Minh-Phần 2

🌷10.Từ nay anh đã có nàng
Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
Mùa xuân trên những mái nhà
Có con chim hót tên là ái - ân.
“Từ nay tôi đã có người”, “từ nay tôi đã có tình”, rồi bây giờ “từ nay anh đã có nàng”, càng lúc càng tăng lên độ nâng niu, trìu mến. Những câu hỏi tha thiết “Nàng ở nơi đâu?”, “Em ở phương nào?” cất lên đã nhận được câu trả lời. “Sự thật ở đâu?” đã được “núi sông đền đáp”.
“Tiếng ca” vang lên rộn rã khi gặp được những “dấu hài bên sông” khiến trời đất cũng “rộn ràng”. Sự trong trẻo của “Cái thuở ban đầu ngây ngất ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (thơ Thế Lữ, xin sửa “lưu luyến” thành “ngây ngất”) thật quá đẹp trong đôi mắt của người thấy được ánh sáng tràn vào khi cửa mở toang. “Chút tình mới chớm đã viên thành” trong đoạn trước chắc ý không khác nhiều so với “ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”?

Sau này, trong Dấu Chân Địa Đàng, tiếng ca này đã được Trịnh nói cách khác “Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô, từ mưa gió, từ vào trong đá xưa” và cũng ở bài hát này, tiếng ca ấy đã nhuốm màu tiếc nuối, nhạt phai.
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền…
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng…
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng…
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vùi…
Lời ca đau trên cao.
Nhưng từ vui và hay của đoạn này là “ái ân”, dễ “đánh lừa” thiên hạ. Có con chim hót tên là tình yêu, hay yêu thương gì đó thì bình thường.
Cũng tựa như Bùi Giáng, đùa cợt, ngông ngông với “cái lạ lùng”, “ái ân” có lẽ là lối dùng chữ điệu nghệ của Trịnh Công Sơn. Thường thì từ này gợi lên chút gì đó hơi hẹp hẹp, nhưng nếu hiểu “ái” là lòng từ , tình thương, tình nhân ái và “ân” là ân tình, ân nghĩa, ân đức thì đây quả là một từ hay vì nghĩa khá rộng.
Cánh chim mang tên “ái ân” nặng tình thương đời, thương người vẫn đang hót lên những âm điệu mùa xuân trên những “mái nhà” cần được thương yêu.

🌷11.Sen hồng một nụ
Em ngồi một thuở
Một thuở yêu nhau
Có vui cùng sầu
Từ rạng đông cao
Đến đêm ngọt ngào
Sen hồng một độ
Em hồng một thuở xuân xanh
Sen buồn một mình
Em buồn đền trọn mối tình
Trong đoạn chín này của Đóa Hoa Vô Thường, từ cành mai ngồi sân trước đến đóa quỳnh giữa trăng rằm khai hội, ý đạo đã “lộ nguyên hình” qua dáng vẻ của “sen hồng”, một hình ảnh quá quen trong kinh Phật.
Hai hình ảnh “sen” và “em” là hai cái tôi trong một con người, “tôi sen” và “tôi bùn”, tuy hai mà một, dung chứa lẫn nhau, hòa quyện với nhau. Hay rõ ràng hơn là “tôi trên cao” và “tôi dưới thấp”. “Tôi sen” trên cao ví như dòng sông trong veo và “tôi bùn” bên dưới đầy tạp nhiễm. Hãy cùng nghe lại vài câu trong Cũng Sẽ Chìm Trôi.
Nhật nguyệt (í a) trên cao
Ta ngồi (ôi à) dưới thấp
Một dòng (í a) trong veo
Sao lòng (ôi à) còn đục
Cũng có thể nói “tôi sen trên cao trong veo” và “tôi bùn dưới thấp ngầu đục” cùng song song tồn tại trong một tâm hồn, cùng “Có vui cùng sầu” trong sáng tối, cùng hiện diện bên nhau “Từ rạng đông cao đến đêm ngọt ngào”.
Đoạn thơ nhạc đang thơ thới, nhẹ nhàng như thế đột nhiên đổi màu ở hai câu cuối. Thật khó hiểu!
Sen buồn một mình
Em buồn đền trọn mối tình
Từ “sen hồng”, “em hồng” chuyển qua “sen buồn”, “em buồn” là một ý lạ. Tại sao sen hồng lại trở nên buồn? Sen buồn vì sự có mặt của mình không được để ý đến? Sen một nụ ngát thơm nhưng không có người chăm sóc, đẹp như thế nhưng chỉ nhận được sự hờ hững, thờ ơ? Rồi tại sao em buồn? Em buồn vì em muốn đi về phía nhân gian để “đền trọn mối tình” cho nơi ấy, nơi dù có những hương hoa ngào ngạt nhưng cũng lắm xót xa. Em biết em sẽ buồn vì xa sen nhưng “đường trần đâu có gì” phía xa xa ấy vẫn đưa tay mời gọi. Em phải “trả nợ người” thôi.
Chính cái “em buồn” này là nỗi ưu tư đầy khắc khoải của Trịnh, là niềm riêng sâu kín “tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta”. Ông chỉ im lặng, cô độc trải dài những điều ấy trên suốt những bài hát của mình, lấy tiếng hát vừa u trầm với đạo, vừa rạo rực với đời để mang đến sự xoa dịu cho cuộc sống vốn buồn nhiều hơn vui này.

🌷12.Một chiều em đứng cuối sông
Gió mùa thu rất ân cần
Chở lời kinh đến núi non
Những lời tình em trối trăn
Một thời yêu dấu đã qua
Gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa
Cũng đành về với quê nhà.
Hát câu “Một chiều em đứng cuối sông” mở đầu cho đoạn mười này, không thể không nhớ “Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông” trong đoạn bảy, lúc đón kinh vào đời sau “mùa Đông” buồn. Bây giờ, cũng dòng sông ấy, không phải “đầu sông” mà là “cuối sông”, em lại đứng nhưng lần này là “mùa thu” với gió ân cần, nhờ gió “chở lời kinh đến núi non” cùng những lời tình tự của em như một lời trối cuối.
Lời trối trăng là gì? “Khi nào tình yêu với trần gian đã qua, đã cạn, em sẽ quay về quê nhà. Em biết chốn trần gian ấy có xót xa nhưng đẹp lắm, nào là tình yêu của những người con gái thật dễ thương, nào là tình bạn, tình người nồng ấm. Khi nào “ngựa hồng mỏi vó”, em sẽ rời “gót hồng” ấy để trở về mái nhà xưa thanh bình một thuở.”
Ở đoạn nhạc này, nhạc sĩ có ghi chú: “Con sóng bể dâu đã đưa tình về quê quán cũ”. Sau này, dù vẫn chưa về vì “sóng bể dâu” chưa qua, nhưng dễ dàng cảm nhận hạnh phúc của Ông khi biết rằng mình lúc nào cũng có một quê hương bên trong sâu lặng. Quê hương ấy đã trở thành một nơi nương tựa vững vàng trong cuộc đời sau những lần “gối mỏi chân chùng”.
Câu hát “Chở lời kinh đến núi non” trong làn gió thu ân cần nghe quá dễ thương. Hai chữ “ân cần” toát ra một cái gì thật gần gũi, thân thiết của một tình thương chân thật.
Hình ảnh núi xa xa sau này cũng trở lại nhiều lần: “Cuồng phong cánh mỏi, về bên núi đợi” (Chiếc là thu phai) hay “Núi đứng quanh năm, đất muôn đời nằm, chân ta rộn ràng” (Giọt lệ thiên thu). Ước mơ làm cánh vạc bay về núi luôn luôn thao thức trên những bước chân giang hồ phiêu lãng.
Đoạn cuối cũng “Một thời yêu dấu đã qua, gót hồng em muốn quay về” thì bình thường. Nhưng câu “Dù trần gian có xót xa, cũng đành về với quê nhà”, nghe kỹ sẽ thấy hơi kỳ kỳ.
Nếu “dù trần gian có gấm hoa,…” hay gì gì đó tươi đẹp, thì hợp với “cùng đành (phải) về với quê nhà”. Nhưng tại sao ở đây lại là “xót xa”? Xót xa, đau khổ, phù phiếm, giả tạm thì phải chia tay, cần gì phải “đành” miễn cưỡng.
Phải chăng “Trần gian có xót xa” là “quê hương” có “những đời bão tố, nhọc nhằn trong nắng mưa” ta đã yêu và đã từng sẻ chia tình yêu của ta nơi ấy (Cánh chim cô đơn)?
Những tiếng nói yêu thương dành cho “trần gian” như vậy là đủ rồi, dừng được rồi. Ta phải “rời gót hồng” để “về với quê nhà” thôi.

🌷13.Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta
Từ đó trong hồn ta
Ôi tiếng chuông não nề
Ngựa hý vang rừng xa
Vọng suốt đất trời kia
Từ đó ta ngồi mê
Để thấy trên đường xa
Một chuyến xe tựa như
Vừa đến nơi chia lìa
Từ đó ta nằm đau
Ôi núi cũng như đèo
Một chút vô thường theo
Từng phút cao giờ sâu
Từ đó hoa là em
Một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn
Đợi gió vô thường lên
Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đoá hoa vô thường.
Sáu khổ thơ cuối cùng của Đóa Hoa Vô Thường âm hưởng thật bi tráng. Một cánh chim đại bàng vừa rời tổ ấm vút lên bay lượn giữa trời cao, mang theo bên cánh nỗi buồn ly hương nặng trĩu.
Quê hương của Trịnh không giống như quê hương của những người khác, nhưng tâm trạng ly hương thì ai cũng trùng trùng nỗi nhớ như nhau. Chúng ta cùng nghe lại Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy và Hòn Vọng Phu của Lê Thương để đồng cảm thêm tâm sự bịn rịn trên bước chân tang bồng, hay “tình đi người ở lại” như Trịnh đã nói “một chuyến xe tựa như, vừa đến nơi chia lìa”.
Mịt mờ sương khói lên hương
Lũ thùy dương rủ bóng ven sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ, nhổ neo lên đường
(Phạm Duy - Thuyền Viễn Xứ)
Đuờng chiều mịt mù cát bay tỏa buớc ngựa phi…
Dấn buớc tang bồng giữa nơi núi rừng
Bên nợ tình thâm, bên nợ giang san
Bên đồi ai oán, bên rừng đa đoan tiễn đưa bóng chàng
( Lê Thương - Hòn Vọng Phu)
Để rồi “từ đó”… “ta nằm đau”, “ta nằm nghe”, “ta là đêm” v.v… Lời kinh xưa nổi lên lồng lộng trong vườn mỗi đêm khuya, tiếng chuông gọi về tịch lặng của núi non không ngừng ngân vang, hòa theo vó ngựa phiêu linh giữa đất trời nhân gian vọng suốt. Nhiều khi thấy mình sẽ mãi mãi vĩnh biệt quê nhà dấu yêu, không bao giờ trở lại, tựa Kinh Kha cảm thán thốt lên bên bờ sông Dịch trước lúc qua Tần.
Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục phản
(Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê
Tráng sĩ một đi không trở về)
Phần này xem như vài lời dẫn nhập cho hai đoạn cuối mười một và mười hai. Khúc bi tráng, trầm hùng, và cũng là khúc nhạc hay nhất của Đóa Hoa Vô Thường mà chúng ta đang cùng nhau chia sẻ.

🌷14.Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta
Từ khi biết “hát kinh”, ta biết cách nhìn đời, có “tuệ nhãn” hiểu thực chất của những gì đến và đi qua trong đời sống này chỉ là tạm bợ, như khói, như mây. Vạn pháp, không chỉ riêng tình yêu, đều phải như vậy. Dòng sông chảy trôi bất tận, “không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông” như ai đó đã nói.
Trên bài hát, Trịnh viết “Tình do tâm ta mà sinh”. “Vườn” là “tâm”, “áo xưa” là “tình”. Tình ví như mây, mỗi chút tình là một chút mây. Mây không bền vững nên phù du, tồn tại một thoáng thôi rồi biến. Biết vậy, nhưng chiếc áo xưa này có hấp lực rất mạnh, trời chiều mênh mông như thế mà đôi lúc còn bị xô dạt một bên.
Ôi áo xưa lồng lộng
Đã xô dạt trời chiều
Cứ nghe Tình Nhớ là ta có thể cảm nhận được rất rõ sức mạnh này. Dẫu chỉ là “Một chút mây phu du” thoáng qua nhưng muốn quên không dễ. Biết chỉ một bóng hình đi qua giống như “sóng xa” sẽ đưa về quên lãng, nhưng vẫn còn đó, không chỉ “rộn ràng” mà còn “quá bao la”.
“Vườn” cũng là một hình ảnh hay khi nói về không gian của tâm thức. Trong không gian này, suy nghĩ, tình cảm như hoa lá cỏ cây, lúc xanh lúc vàng, khi héo khi tươi, theo mưa theo nắng. Cùng nhớ lại vài câu có “vườn” trong tác phẩm Vườn Xưa.
Trời chợt nắng vườn đầy lá non
Vườn mưa xuống hành lang tối tăm
Chào chiếc lá nằm giữa vườn hoang
“Vườn khuya” trong đoạn mười một này là tâm trạng những đêm khuya thanh vắng nghĩ về quá khứ, ngập đầy những chiếc áo màu sắc khác nhau. Tình yêu vương vấn với bóng hồng luôn luôn là “áo xưa” đẹp nhất và buồn nhất. Có lần ta nghe Trịnh nói “Kỷ niệm nào cũng đẹp nhưng vẫn cứ phải lãng quên”, cũng như từng hát “Tình ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng”. Lý trí thì nói vậy nhưng tình cảm có khi chẳng chịu chiều theo!

🌷15.Từ đó trong hồn ta
Ôi tiếng chuông não nề
Ngựa hý vang rừng xa
Vọng suốt đất trời kia
Trong đoạn này, tính kịch cao nổi lên rõ ràng nhờ âm thanh của “chuông não nề” và “ngựa hý vang”. Một tiếng nhu trầm, một tiếng cương mãnh. Một kịch tính bí mật giữa đạo và đời đang xảy ra “trong hồn ta”, giống như sự đối kháng của hai luồng nội công thâm hậu. Một bên biến ảo trùm khắp như “Vô tướng thần công”, một bên uy lực như “Giáng long thập bát chưởng”. Đôi khi hỗ tương cho nhau, đôi khi kinh mạch đảo lộn.
Tiếng chuông ở đây cũng là tiếng hát đã nói đến trong bài mười hai. Xin được trích lại vài dòng.
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền…
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vùi…
Lời ca đau trên cao…
Tiếng chuông, tiếng ca này là tiếng kinh một thời đã hát và cũng đã được gởi về núi non, mong hẹn ngày gặp lại phút cuối đời, để “nở hết trong hoàng hôn” như sẽ gặp ở đoạn mười hai. Cũng nhờ tiếng chuông này mà ngựa hồng tăng thêm lòng yêu đời, yêu người trong những ngày nhân gian gió bụi. Và cũng chính nó đôi khi rung lên làm cho ta cảm thấy mình “ngốc dại”, lạc lõng, bơ vơ “tựa bé không nhà” những khi mỏi mệt giữa mưa nắng phù vân.
“Ngựa hý vang rừng xa”? Hình ảnh ngựa, không phải ngựa chiến hay ngựa hoang, mà là ngựa nghệ sĩ, ngựa tâm linh độc đáo chỉ của riêng mình đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu thích và sử dụng rất nhiều trong âm nhạc lẫn hội họa.
Đôi khi được đặt cạnh “mục đồng” để rõ ý đạo đời hai hướng như trong Chỉ Có Ta Trong Một Đời.
Đời vẽ tôi tên mục đồng
Đời vẽ tôi tên ngựa hồng
Từ đó tôi lên đường phiêu linh
Đôi khi chán nản vì gối mỏi chân chùng như trong Dấu Chân Địa Đàng: “Ngựa buông vó, người đi chùng chân đã bao lần” hay “Ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương” trong Xin Mặt Trời Ngủ Yên.
Tiếng “Ngựa hý vang rừng xa, vọng suốt đất trời kia” ngày một xa dần quê cũ, như trong Phúc Âm Buồn: “Ngựa xa rồi, ngựa xa rồi trên ngày tháng vơi”.

🌷16.Từ đó ta ngồi mê
Để thấy trên đường xa
Một chuyến xe tựa như
Vừa đến nơi chia lìa
Mê là gì nhỉ? Là vô minh, không thấy ánh sáng? Là không thấy rõ đâu là bến bờ thực sự cho chuyến xe cuộc đời? Là không tỉnh thức để định hướng đi cho trăm năm hữu hạn? Có phải đường ta chọn là đường lạc về phía vực thẳm, cuối đường ta sẽ cất lời tuyệt vọng trước khi rơi xuống vực sâu?
Thật sự khi hát lên những dòng này, chúng ta sẽ cảm nhận được một Trịnh “rất sáng, không mê” ở đây. Vì kẻ “mê” không bao giờ biết mình đang “muội”, như một câu kinh Phật: “Kẻ mê biết mình mê, mới là người có trí, kẻ mê tưởng mình trí, mới thực sự là mê”.
Thế nào là mê? Bài Một Cõi Đi Về có thể giải đáp câu hỏi này. Con đường mê là con “đường chạy vòng quanh” dẫn đến khổ, “tiều tụy”, “mỏi mệt”. Con đường sáng như “hai vầng nhật nguyệt” dẫn đến vui, an lạc, tự tại ung dung. Rồi thế nào là khổ, thế nào là vui? Cứ hỏi, cứ nghe Trịnh, cứ nghe chính tiếng nói nội tâm mình, chắc không khó để tìm một lời giải đáp.
Ngoài hình ảnh của ngựa hý vọng suốt đất trời kia và tiếng chuông vang mãi đất trời này, chúng ta cũng gặp lại một hình ảnh quen thuộc khác là con đường và chuyến xe. Đường xa? Đường nào đây, đường đi hay đường về?
Một đằng là chuyến xe trên đường xa về phía bụi hồng nhập thế. Một đằng là chuyến xe trở về quê cũ trong lành thoát khói nhân gian. Thế mà….
Em đi bỏ lại con đường
Bờ xa cỏ dại, vô thường nhớ em
Em đi bỏ lại dậm trường
Ngàn dâu cố quận, muôn trùng nhớ thêm
(Em đi bỏ lại con đường)
Đường dẫn đến bờ xa chỉ có cỏ dại vô thường, con đường ấy rất nhớ ta. Đường về “ngàn dâu cố quận” ta cũng muôn trùng nhớ. Bỏ mặc đường nào ? Có những lúc ta cảm nhận được hai xung lực này giày xéo Trịnh. Bỏ. Bỏ. Bỏ hết! Mặc kệ, đường nào cũng kệ, như từng “Thôi kệ” thật khoan dung, độ lượng với nơi ông từng thấy mình chỉ là “cỏ xót xa đưa”.
Bỏ mặc hư vô, bỏ ngậm ngùi
Bỏ mặc chân không, bỏ mặc người
Rồi trên chuyến xe đời nơi xa xăm ấy, có tiếng nói nào đây mà mỗi đêm thấy mình như “thác đổ”?
Chiều nay em ra phố về Thấy đời mình là những chuyến xe
Còn đây âm vang não nề Ngày đi đêm tới trăm tiếng mơ hồ.
(Nghe những tàn phai)
“Âm vang não nề”? Có phải là âm vang của tiếng chuông não nề trong Đóa Hoa Vô Thường đã ngân lên từ độ ấy?

🌷17.Từ đó ta nằm đau
Ôi núi cũng như đèo
Một chút vô thường theo
Từng phút cao giờ sâu
Vừa mới “ta ngồi mê”, giờ là “ta nằm đau”. Tư thế khác, biểu hiện khác, nhưng vẫn là “tâm bệnh”. Trịnh Công Sơn là tên của “bệnh nhân”, “bác sĩ” đang chẩn đoán tên là Sơn Trịnh. Cả hai đã ra đi. Chúng ta đang lật lại “hồ sơ bệnh án” để hiểu thêm chứng “bệnh lạ” của ”dị nhân”này, xưa từng đến thăm trái đất đáng yêu một thời không lâu.
“Ôi núi cũng như đèo”? “Núi” là hình ảnh của lý tưởng, khát vọng, của hoài bão, ước mơ. “Đèo” là con đường dẫn đến núi.
Đường lên núi vẫn lộng gió trắng mây nhưng có một người đã già rồi, tóc chiều rồi, vẫn còn quên ngủ. Giờ nằm đau đây chỉ biết than ôi.
Núi là nơi cho ta hát được lời kinh, nhìn được ánh sáng, và lời kinh cũng đã được chở về gởi đó. Lúc nào lòng ta cũng hướng về đỉnh núi “địa đàng” cuối trời mờ xa ấy.
“Người hãy nhớ mang theo hành trang
Qua khoang trời vắng chân mây địa đàng”
(Xin mặt trời ngủ yên)
Đóa Hoa Vô Thường như một dự phóng cho định mệnh, một bản đồ cho sự chọn lựa về số phận. Cuộc đời Trịnh đã nói lên dự phóng, chọn lựa ấy. Một trái tim tươi đỏ, ca hát yêu đời hòa với giọt lệ khô buồn bên những mũi tên cắm lên rướm máu. Số phận bi hùng của một cánh chim trời sống xa đàn, cô độc.
Như là chim xa đàn
Giấu nỗi buồn trong cánh
Hẹn hò với giấc mơ
(Cánh chim cô đơn)
Núi ơi! Hãy chờ ta nhé ! khi nào ”cuồng phong cánh mỏi” ta sẽ “về bên núi đợi” (Chiếc lá thu phai)
Hẹn thì hẹn thế, nhưng đôi khi Ông thấy mình như người đã phụ rẫy một tình yêu lớn bao la, may mắn lắm mới gặp được trong đời. “Nhiều đêm muốn quay về” nhưng nhiều đêm cũng thấy đường về núi kia chắc “là một đường không bến bờ” (Lời thiên thu gọi).
Khi cảm nhận được tâm sự trùng trùng này ta sẽ hiểu thêm những lời Trịnh nói như “một cõi đời tôi đã mất”. Ông vừa thấy mình là “kẻ chiến thắng”, vừa là “kẻ chiến bại”. Vui khi sống được với lý tưởng mình đã chọn: “Và như thế tôi sống vui từng ngày, và như thế tôi đến trong cuộc đời, đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi” (chiến thắng). Nhưng cũng buồn vì không hoàn toàn tìm lại được “cõi tịch lặng vô ngôn“ như vẫn từng mơ ước. Hay nói theo Nguyễn Du trong Kiều là chưa thấy được “sương tan đầu ngỏ, vén mây cuối trời”(chiến bại).
Có lẽ “Từng phút cao giờ sâu” là câu lạ nhất ở đoạn này. Có hai cách hiểu nhưng cũng gần giống nhau.
Ở đây, hai trục thời gian và không gian được mở ra bằng những từ ngữ dung dị. Cách thứ nhất, tình yêu núi yêu đèo ấy lúc này lúc kia, trước kia thăng cao, bây giờ giáng sâu, xuống thấp. Cách thứ hai là tình yêu chân lý trước đây đã từng lên cao nhưng chỉ lên ngắn ngủi như phút, bây giờ sâu xuống thì xuống nhiều gấp sáu mươi lần.
Và tình yêu tưởng nguyên vẹn, bền vững ấy cũng phải bị chi phối bởi luật vô thường, nhưng dễ thương là chỉ “một chút” thôi. Yên tâm đi, có thay đổi, nhưng không sao. Trước sau gì cũng về mà. Hãy đợi đấy!

🌷18.Từ đó hoa là em
Một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn
Đợi gió vô thường lên
“Từ đó hoa là em”? Hoa trở thành Em, hóa thân của Đạo. Hoa đó vẫn hiện hữu trong tâm của mỗi con người, thường được gọi là Phật tính (Buddha nature) hay bản chất Thượng đế (God nature) như ta vẫn thường nghe trong kinh Phật hay kinh Thánh: “Phật tại Tâm”, “Chúa ở cùng anh chị em”. Hoa cũng là hình ảnh của những bậc chân nhân, thánh hiền với trí tuệ và đức hạnh tỏa hương thơm ngược gió. Cùng đọc thêm một câu kinh Phật:
"Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời”
(Pháp cú 54)
“Một sớm kia rất hồng”? Với màu hồng, rất dễ nhận ra đây là màu của đóa hoa sen, đã chớm nụ từ “một sớm kia”. Hoa “sen hồng một độ” ngày nào từng làm ta ngất ngây, tươi tắn: “Em hồng một thuở xuân xanh”. Ta đã “Chở lời kinh đến núi non”, gởi gắm tâm tình của ta với hoa nơi xa xăm ấy, hy vọng ngày không xa sẽ “nở hết trong hoàng hôn”. Ta sẽ tận hưởng hương vị ngọt ngào tinh khôi này sau khi “trả nợ” cho thế nhân trái tim ta đã vay từ ngàn năm trước. Ta sẽ ung dung, thanh thản với mây trời để “đợi gió vô thường lên”, kết thúc những ngày tháng rong chơi nơi hành tinh này.
Cách nói “từ đó hoa là em” (hay em là hoa) sau này chúng ta cũng thấy lại trong Nguyệt Ca: “Từ khi trăng là nguyệt”. Trong Nguyệt Ca, hoa đã hóa thành trăng. Ánh sáng trăng rằm và hương thơm hoa sen cũng đều là biểu tượng của chân lý, của đạo.
Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời
Hay
Từ khi trăng là nguyệt vườn xưa lá xanh tươi
Đàn chim non lần hạt cho câu kinh bước tới
Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời vỗ về tôi
Từ khi em là nguyệt câu kinh đã bước vào đời.

🌷19.Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đoá hoa vô thường
Trong đoạn cuối cùng này, hai hình ảnh đẹp, sương rơi buổi sáng và hoa nở về đêm. “Sương hồng” ở đoạn ba hay “một đóa hoa quỳnh” ngày “trăng vàng khai hội” trong đoạn năm cùng nhau xuất hiện trở lại. Hai bức tranh, một sáng một tối, nằm song song, bức này làm tăng thêm vẻ đẹp của bức kia, tương phản nhưng nằm bên cạnh nhau đã làm cho Đóa Hoa Vô Thường trước khi kết thúc, vang lên những lời thơ dịu dàng, sâu sắc, đầy ấn tượng.
Mưa rơi, hoa rơi là những từ ngợi ca về sự kỳ diệu của những lời kinh. Mỗi câu kinh như giọt mưa, như đóa hoa rơi xuống đem đến mát mẻ cho muôn loài. Trong đạo Phật, hình ảnh này còn gọi là ‘mưa pháp” hay “hoa pháp”. Ở đây, thay vì mưa và hoa, ta gặp thêm hình ảnh của sương, “sương pháp”.
Khi nói lên tâm trạng vui mừng tắm mình trong những giọt sương “rụng mát trong bình minh” này, Trịnh đã vẽ bằng “líu lo”, “lẫy lừng”, hồn nhiên như tiếng chim non, như bước trẻ trong đoạn sáu. Hay nhiều hơn, rõ hơn trong Nguyệt Ca:
Đèn thắp sáng trong tôi…
Tôi như từng cánh diều vui…
Trong tôi có những mặt trời…
Xua tan những nghi ngờ…
Hân hoan giây xuống thế…
Giọt sương ấy, đóa hoa ấy vẫn mãi rực rỡ sắc màu giữa dòng đời vô thường, biến ảo, mộng mộng mơ mơ nhưng cũng tràn đầy tiếng thơ, tiếng nhạc.
Ý nghĩa của “sương”, “hoa”, “trăng” về con đường, sự sống, và sự thật đã nở trên những bước ngựa hồng, vừa nồng nàn, vừa ngậm ngùi với hương vị vui buồn giữa đêm hồng một thời bỏ ngỏ.
Sư Minh Tuệ Đỗ Minh


* Email Contact *Đóa Hoa Vô Thường - Sư Minh Tuệ ( Phần 2 ) ChuKyXuanLoc
Xuân Lộc
Xuân Lộc
Admin

Tổng số bài gửi : 146
Join date : 09/07/2019
Age : 70
Đến từ : Sài Gòn

https://truongmacdinhchi.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết